Lịch sử Tam_Sa

Từ phía Trung Quốc

Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nam Sa do người dân nước này phát hiện và đặt tên sớm nhất, có thể là từ thời Nhà Hán. "Dị vật chí" (异物志) của Dương Phu (楊孚) thời Đông Hán có viết "Trướng hải kỳ đầu,thủy thiển nhi đa từ thạch" (Biển sóng triều dâng gập ghềnh đá ngầm, nước cạn mà nhiều đá nam châm) trong đó "Trướng Hải" (涨海, biển trướng) là tên người Trung Quốc thời đó dùng để gọi Biển Đông và "kỳ đầu" (崎头, đá ngầm gồ ghề) là tên người Trung Quốc đương thời dùng để chỉ các đảo, đá ngầm.... ở quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) tại Biển Đông.[10] Vào thời Đường Tống, nhiều sách sử địa đã sử dụng các tên khác nhau để chỉ Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa), lần lượt là "Cửu Nhũ Loa Châu", "Thạch Đường ", "Trường Sa ", "Thiên Lý Thạch Đường ", "Thiên Lý Trường Sa", "Vạn Lý Thạch Đường", "Vạn Lý Trường Sa". Trong bốn triều đại Tống, Nguyên, MinhThanh, đã có đến hàng trăm thư tịch sử dụng tên gọi "Thạch Đường" hay "Trường Sa" để chỉ các đảo tại Biển Đông (Nam Hải). "Hỗn nhất cường lý lịch đại quốc đô chi đồ" (混一疆理歷代國都之圖) thời Nhà Minh có đánh dấu vị trí của Thạch Đường, và vị trí này được phía Trung Quốc cho là tương ứng với Nam Sa (Trường Sa) hiện tại. "Canh lộ bộ" (更路簿) thời Nhà Thanh ghi chép về vị trí của các địa danh cụ thể của các đảo, đá, bãi tại Nam Sa (Trường Sa) mà ngư dân Hải Nam thường lui tới, tổng cộng có 73 địa danh.[10]

Chậm nhất là từ thời Nhà Đường, các ngư dân Hải Nam đã bắt đầu đến các đảo tại Biển Đông sinh sống, dựng nhà để trú thân và miếu để thờ thần linh. Khi tiến hành khảo cổ, đã phát hiện ra một số di chỉ cư trú thời Đường và Tống trên đảo Hữu Nhật (Trung Quốc gọi là Cam Tuyền), có rất nhiều mảnh vỡ nồi sắt, tro than khi nấu ăn, các mảnh vỡ đồ gốm và đồ sứ, các mảnh vỡ dao sắt và đục sắt, còn sót lại xương chim và vỏ ốc trai. Đến nay vẫn còn lại 14 miếu nhỏ từ hai thời Minh Thanh trên các đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng), đảo Đá (Thạch đảo), Linh Côn (Đông đảo), đảo Cây (Triệu Thuật), đảo Nam, đảo Bắc, Duy Mộng (Tấn Khanh), Quang Hòa Đông (Sâm/Thám Hàng), Quang Hòa Tây (Quảng Kim), Hoàng Sa (San Hô), Hữu Nhật (Cam Tuyền). Một số ngôi đền còn có cả tượng Thần hay tượng Phật, như tại đảo Quang Hòa Đông có "miếu Nương Nương" có tượng Quan Âm bằng sứ, miếu nhỏ trên đảo Bắc có bài vị thần chủ bằng gỗ, miếu Cô Hồn trên đảo Phú Lâm có thần vị.[11]

Theo thông tin trên Tân Hoa xã, năm Khai Bảo thứ 4 (971) dưới thời Tống Thái Tổ, Nhà Tống sau khi bình định nước Nam Hán đã lập lực lượng tuần tra biển, phạm vi tuần tra bao gồm cả quần đảo Tây Sa.[12] Theo thông tin trên Hoàn Cầu Thời báo, vào thời Nhà Minh, Hải Nam được quản lý bởi phủ Quỳnh Châu, lệ thuộc Quảng Đông, các đảo tại Nam Hải (mà ngay nay thuộc Tam Sa) khi đó được triều đình Nhà Minh quy vào Vạn Châu thuộc phủ Quỳnh Châu.[13] Vào sơ kỳ và trung kỳ thời Nhà Thanh, về cơ bản vẫn theo thể chế quản lý thời Nhà Minh. Đến cuối thời Nhà Thanh, quần đảo Đông Sa chuyển sang quy thuộc Huệ Châu, ba quần đảo còn lại vẫn do Vạn châu quản lý.[14] Cũng theo thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thời Nhà Thanh, đã có nhiều địa đồ đã đưa các đảo Nam Sa vào bản đồ Trung Quốc, ví dụ như "Thanh trực tỉnh phân đồ" (清直省分圖) của "Thiên hạ tổng dư đồ" (天下總輿圖) năm 1724, "Hoàng Thanh các trực tỉnh phân đồ" (皇清各直省分圖) của "Thiên hạ tổng dư đồ" năm 1755, "Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ" (大清萬年一統天下全圖) năm 1767, "Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lượng toàn đồ" (大清萬年一統地量全圖) năm 1810 và "Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ" (大清一統天下全圖) năm 1817.[10]

Bản đồ Biển Đông với Đường 11 đoạn do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1947

Cũng theo thông tin từ phía Trung Quốc, sau cách mạng Tân Hợi năm 1911, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố Tây Sa (tức Hoàng Sa) quy thuộc huyện Nhai (nay là thành phố Tam Á) của Hải Nam.[14] Năm 1933, khi Pháp chiếm 9 hòn đảo tại Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình), đảo Thị Tứ (Trung Quốc gọi là Trung Nghiệp); ngư dân Trung Quốc đang đánh cá tại đây đã phản kháng quyết liệt còn chính phủ Trung Quốc cũng đã kháng nghị với chính phủ Pháp.[10] Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, năm 1935, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố một bản đồ thể hiện cả bốn quần đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc. Công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi Bộ Ngoại giao Pháp năm 1932 còn viết rằng: "Các đảo Tây Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc xa nhất về phía Nam". Lần thứ 2 sau cuộc khảo sát Hoàng Sa của Lý Chuẩn năm 1909, chính phủ Trung Quốc cử chuyên viên cao cấp Hoàng Cường đến Hoàng Sa đặt bia chủ quyền. Năm 1937, lấy cớ kiểm tra thông tin về khả năng Nhật Bản có thể chiếm quần đảo Hoàng Sa, nhân sự kiện Lư Câu Kiều, trong ngày 23-24 tháng 6, Trung Hoa Dân Quốc đã cử Hoàng Cường (trưởng khu hành chính số 9) bí mật ra cắm 12 bia đá tuyên bố chủ quyền tại 4 đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa là: đá Bắc, đảo Phú Lâm, đảo Đáđảo Linh Côn. Tất cả 12 bia đá đều không ghi năm 1937, mà ghi ngụy tạo niên đại các năm 1902, 1912 và 1921[15]. Dẫn tới ngụy tạo chứng cứ về cuộc khảo sát năm 1902 thời Nhà Thanh của Trung Quốc, của các nhà sử học thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong đợt khảo cổ Hoàng Sa những năm 1974-1979[16]. Theo Trung Quốc, nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cho quân đội đồn trú và lập trạm phục vụ ngư dân trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất của Trường Sa[14], nhưng thực sự việc này chỉ diễn ra sau Thế Chiến thứ 2, sớm nhất là vào năm 1956[16].

Năm 1947, Bộ Nội chính Trung Quốc đã chính thức công bố bảng đối chiếu tên cũ và mới cho các đảo, đá, bãi ngầm tại bốn quần đảo trên Biển Đông, cụ thể là Đông Sa (3), Tây Sa (33), Trung Sa (29) và Nam Sa (102), tổng cộng có 167 địa danh.[12]. Đến năm 1983, Uỷ ban địa danh Trung Quốc đã công bố địa danh tiêu chuẩn của các đảo tại Nam Sa.[10]

Tiền thân của thành phố này là Văn phòng Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa, Quần đảo Trung Sa (西沙群岛, 南沙群岛, 中沙群岛办事处, âm Hán Việt: Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo, Trung Sa quần đảo biện sự xứ). Văn phòng được thành lập vào năm 1959, khi đó nằm dưới quyền quản lý của khu hành chính Hải Nam. Tháng 3 năm 1961, Văn phòng Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa, Quần đảo Trung Sa được chính quyền Trung Quốc đổi tên thành "Uỷ ban Cách mạng Quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa tỉnh Quảng Đông". Tháng 10 năm 1981, chính phủ Trung Quốc khôi phục lại tên cũ là "Văn phòng Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa, Quần đảo Trung Sa" (cấp huyện) thuộc tỉnh Quảng Đông. Năm 1988, tỉnh Hải Nam được thành lập. Văn phòng Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa, Quần đảo Trung Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam.[4]

Công hàm năm 1958 của thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng

Theo thông tin của Trung Quốc, vào năm 1956, thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện Trung Quốc tại Việt Nam rằng về mặt lịch sử thì Nam Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và cũng trong dịp đó thì ông Lê Lộc, quyền trưởng ti châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nói rằng theo các tư liệu của Việt Nam thì Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với Nam Sa từ thời Nhà Tống[17][18]. Một số bản đồ của Việt Nam xuất bản vào thập niên 1960 và 1970 đã thể hiện Nam Sa là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc[18] như bản đồ thế giới của quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1960, Tập bản đồ thế giới của cục trắc địa và bản đồ thuộc Văn phòng thủ tướng Việt Nam vào năm 1972.[17] Sách giáo khoa năm 1974 của Việt Nam có viết rằng "các đảo Nam Sa, Tây Sa đến đảo Hải Nam, Đài Loan, các đảo Bành Hồ, quần đảo Chu Sơn hình thành nên cung đảo, tạo thành một tuyến Trường Thành bảo vệ Trung Quốc đại lục".[19] Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nội dung: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc". Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sự công nhận này "đương nhiên có giá trị với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc" vì báo Nhân dân trước đó đã đăng bài chi tiết về bản tuyên bố về lãnh hải của chính phủ Trung Quốc, trong đó nói rằng "kích thước lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm tất cả các quần đảo trên Biển Đông"[17]

Về phía Anh Quốc, J.W.Reed,W.king:China Sea Directory,1868 của Hải quân Anh Quốc có ghi rằng các thuyền của Hải Nam hàng năm thường đến các đảo, mang theo gạo và các nhu yếu phẩm khác và trao đổi với ngư dân đang đánh bắt tại các đảo; thuyền rời Hải Nam vào tháng 12 hay tháng 1 mỗi năm và sẽ trở về khi có đợt gió mùa tây nam đầu tiên.[11] Trong ấn phẩm "China Sea Pilot" vào năm 1912, Hải quân Hoàng gia Anh Quốc đã mô tả về các hoạt động của ngư dân Trung Quốc tại một số nơi ở Trường Sa. Far Eastern Economic Review (Hồng Kông) có đưa một vài viết vào ngày 31 tháng 12 năm 1973, trong đó dẫn lời Cao ủy Anh quốc tại Singapore nói vào năm 1970 rằng: "quần đảo Spratly là lãnh thổ phụ thuộc của Trung Quốc, một phần của tỉnh Quảng Đông... và được trả lại Trung Quốc sau chiến tranh".[17]

Le Monde Colonial Illustre của Pháp từng đăng bài về sự kiện tháng 9 năm 1933, theo đó khi một tàu chiến Pháp khảo sát đảo Trường Sa Lớn vào năm 1930, họ thấy ba người Trung Quốc ở trên đảo. Khi Pháp đưa quân ra Trường Sa vào năm 1933, họ thấy tất cả những người trên các đảo là người Trung Quốc: bảy người ở Song Tử Tây, năm người ở Thị Tứ, 4 người ở Trường Sa Lớn, và các ngôi nhà tranh, giếng nước và một tượng thần do người Trung Quốc để lại ở Trường Sa Lớn và một biển hiệu chữ Hán trên đảo Ba Bình đánh dấu ký hiệu của một kho dự trữ lương thực trên đảo. Atlas International Larousse xuất bản năm 1965 tại Pháp đã ghi tên "Tây Sa" (Xisha) và "Nam Sa" (Nansha) cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong dấu ngoặc đã thể hiện chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo.[17]

"Tân Trung Quốc niên giám" xuất bản tại Nhật Bản vào năm 1966 đã mô tả bờ biển của Trung Quốc trải dài 11.000 km từ bán đảo Liêu Đông ở phía bắc đến Nam Sa ở phía nam. "Thế giới niên giám" xuất bản tại Nhật Bản năm 1972 đã nói rằng lãnh thổ Trung Quốc không chỉ bao gồm đại lục mà còn gồm cả đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ cũng như Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa trên Biển Đông.[17]

"Columbia Lippincott World Toponymic Dictionary" (Từ điển địa danh thế giới Columbia Lippincott) xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1961 đã ghi rằng quần đảo Nam Sa (Nansha Islands) ở Biển Đông thuộc về tỉnh Quảng Đông và là một phần của Trung Quốc. "Worldmark Encyclopaedia of the Nations" (Bách khoa toàn thư các nước Worldmark) xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1963 đã nói rằng các quần đảo của Trung Quốc kéo dài phía nam, gồm các đảo nhỏ và rạn san hô ở phía bắc vĩ độ 4. "World Administrative Divisions Encyclopaedia" (Bách khoa toàn thư phân cấp hành chính thế giới) xuất bản năm 1971 đã ghi rằng CHND Trung Hoa bao gồm nhiều hòn đảo, lớn nhất là Hải Nam và có nhiều đảo khác trên Biển Đông trải dài đến phía bắc vĩ độ 4, như Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.[17]

Ngoài ra, cũng có nhiều bản đồ đã thể hiện các quần đảo trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc: "Welt-Atlas" do Cộng hòa Liên bang Đức xuất bản vào các năm 1954, 1961 và 1970; Át-lát thế giới do Liên Xô xuất bản vào năm 1954 và 1967; Át-lát thế giới do Romania xuất bản vào năm 1957; Oxford Australian Atlas và Philips Record Atlas xuất bản tại Anh Quốc vào năm 1957 và Encyclopaedia Britannica World Atlas xuất bản tại Anh Quốc vào năm 1958; "Haack Welt Atlas" do Cộng hòa Dân chủ Đức xuất bản năm 1968; Daily Telegraph World Atlas xuất bản tại Anh Quốc vào năm 1968; Atlas International Larousse xuất bản tại Pháp vào năm 1968 và 1969; bản đồ thế giới thông thường của Institut Géographique National của Pháp vào năm 1968; Tập bản đồ Trung Quốc của Neibonsya tại Nhật Bản năm 1973.[17]

Phạm vi lãnh thổ của Philippines được giới hạn trong các hiệp ước vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX không bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough

Hiệp định Paris năm 1898, Hiệp định Washington năm 1900 giữa Hoa KỳTây Ban Nha[19], Hiệp ước giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ năm 1930[19] đã quy định phạm vi lãnh thổ của Philippines có giới hạn phía tây là kinh tuyến 118°Đ và trong đó không bao gồm Nam Sa và đảo Hoàng Nham. Hiến pháp Philippines năm 1930 và Luật ranh giới lãnh thổ năm 1960 của Philipines không bao gồm đảo Hoàng Nham.[20] Các bản đồ của Philippines xuất bản vào năm 1981 và 1984 cũng thể hiện rằng đảo Hoàng Nham nằm ngoài lãnh thổ Philippines.[21] Đại sứ Philippines tại Cộng hòa Liên bang Đức trong một lá thư gửi đến một đài phát thanh của Đức vào ngày 5 tháng 2 năm 1990 đã chỉ rõ rằng đảo Hoàng Nham nằm ngoài lãnh thổ và chủ quyền của Philippines theo Cơ quan Bản đồ Quốc gia và Thông tin Tài nguyên Philippines. Tài liệu của Cơ quan Bản đồ Quốc gia và Thông tin Tài nguyên Philippines và tổ chức phát thanh nghiệp dư Philippines gửi cho Liên đoàn Tiếp âm Phát thanh Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 10 và 18 tháng 11 năm 1994 đã xác nhận giới hạn lãnh thổ và chủ quyền của Philippines được quy định tại Điều 3 của Hiệp ước Paris (1889) và đảo Hoàng Nham nằm bên ngoài ranh giới lãnh thổ Philippines.[22]

Có một số tin nói rằng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn thành lập thành phố cấp huyện "Tam Sa" vào tháng 11 năm 2007. Tuy nhiên vào ngày 18 tháng 12 năm 2007, một quan chức của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã nói rằng việc thành lập Tam Sa không có trong kế hoạch.[23]

Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa.[24]

Cuối tháng 7 năm 2012, Việt Nam công bố một tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" xuất bản năm 1904, trong đó không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [25][26]. Các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Sina, Ifeng, Stockstar đưa tin này. Bản tin của đài Phượng Hoàng (Ifeng) tường thuật quang cảnh buổi lễ trao bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do Nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 của tiến sĩ Mai Ngọc Hồng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; tờ Stockstar và trang tin quân sự của Sina giới thiệu tỉ mỉ về kích thước, lai lịch của tấm bản đồ, nói rõ bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Hoa[26].

Theo báo chí Việt Nam, trong giới nghiên cứu Trung Quốc cũng có ý kiến bác bỏ "đường lưỡi bò" mà phía chính quyền Trung Quốc đưa ra. Học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, từng công bố bài báo "Xung quanh vấn đề 'đường lưỡi bò' và quy định về biên giới trên biển quốc tế" trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc tháng 12 năm 2005, theo đó chứng cứ lịch sử của phía Trung Quốc đưa ra tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục[27]. Ông còn cho rằng việc Trung Quốc vẽ ranh giới "đường lưỡi bò" không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia; đồng thời khẳng định quan điểm coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tự vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là thủ cựu và nhận thức sai lầm, không hề có căn cứ và không được các quốc gia khác công nhận.[27]

Từ phía Việt Nam

Về bằng chứng chủ quyền trong lịch sử

Hoàng Sa (phía dưới, bên trái), trong tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá biên soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời Lê Hy TôngCác quần đảo Hoàng Sa (黄沙) và Trường Sa (tức Vạn lý Trường Sa, 萬里長沙) được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1834-1840).Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng) trong bản đồ của sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn soạn năm 1776.

Các nhà sử học Việt Nam dẫn các nguồn sử liệu cho thấy chính quyền Nhà Hậu Lê đã khám phá hoặc biết tới nơi này ít nhất từ thế kỷ XV, thời Lê Thánh Tông[28]. Đến thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì: "Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia phải đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngot. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy... Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhân giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu ([nước ngoài bị đắm vì bão]),... Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp,... Họ Nguyễn đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi,..., cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên,..., cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản... Hoàng Sa gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền cá Bắc Quốc,...".[29]

Lê Quý Đôn viết: "Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán...".[29][30].

Cũng theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, năm 1754, thuyền của đội Hoàng Sa do Chúa Nguyễn phái ra khai thác Hoàng Sa bị đứt dây neo, trôi dạt vào cảng Thanh Lan thuộc đảo Hải Nam. Các quan sở tại Trung Quốc khi biết là người của đội Hoàng Sa Việt Nam, đã chu cấp tiền, gạo cho về quê mà không hề phản đối gì[31].

Trong An Nam Đại Quốc Họa Đồ (do Giám mục Taberd (Tabula) vẽ năm 1838) có vẽ một góc của quần đảo Hoàng Sa (rìa phía phải bản đồ) và chú thích bằng dòng chữ cái La tinh (chữ viết tiền thân của chữ viết tiếng Việt hiện đại): "Paracel seu Cátvàng".

Năm 1816, vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo (Hoàng Sa), ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình[32]. Sang thời Minh Mạng, vào các năm 1833, 1835, 1836, 1837 đều sai các đội thuyền của Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Nguyên, Phạm Văn Biện ra "Hoàng Sa" (bao gồm Trường Sa) để đánh cột mốc, trồng cây và xây chùa miếu[33].

Năm 1887, Chính phủ Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc[34]. Các đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến đông 105 độ 43 phút Paris, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 1933, Pháp đã chiếm đóng 9 hòn đảo ở quần đảo Trường Sa. Từ đó, người Pháp thực hiện việc quản lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương I. Brévieký Nghị định số 156-SC, quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày ngày 14 tháng 10 năm 1950, Chính phủ Pháp bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính quyền Bảo Đại. Bảo Đại cho sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên[34].

Tháng 9-1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại là Trần Văn Hữu - Trưởng phái đoàn của Việt Nam ra tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đại diện của 51 quốc gia tham dự đều không có ý kiến phản đối; rất nhiều tài liệu nước ngoài trong thời kỳ này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam[34].

Về bằng chứng bác bỏ phía Trung Quốc

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel), với tên gọi "Baixos de Chapar ou de Pulls Scir", tức là Bãi cát Chămpa (bãi đá ngầm), nằm trong Vịnh Cochinchine (Golfe de la Cochin Chine), phần phía đông bắc của bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean-Baptiste Nolin (1657-1708) vẽ xong năm 1687.

Bác lại quan điểm cho rằng Trung Quốc khám phá và đặt tên nơi đây từ thời Nhà Hán, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã chỉ ra rằng các sách cổ sử Trung Quốc thời Hán như: "Dị vật chí",... chỉ miêu tả mơ hồ (không có ý thức đặt tên gọi cụ thể) về Biển Đông và các đảo đá ngầm ở đó, chỉ như là các trướng ngại vật đầy nguy hiểm, (cần tránh xa chứ không hề có thể hiện ý thức sở hữu chinh phục), tình cờ bắt gặp trong lộ trình ngang qua Biển Đông.[35]

Bác lại luận điểm cho rằng Trung Quốc làm chủ nơi đây từ trước thế kỷ X, các nhà nghiên cứu Việt Nam căn cứ các sách Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký, Dư địa kỳ thăng (1221), Quảng Đông thông chí (1842) thì tại đảo Hải Nam chỉ phản ánh truyện đô đốc Lý Phục Nhà Đường mang quân lấy lại đảo này vào năm 789 sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo; Lý Phục xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở Quỳnh Sơn, không hề nhắc tới việc sáp nhập bất cứ đảo nào ở biển Hoa Nam vào đảo Hải Nam[36].

Bác lại luận điểm phía Trung Quốc cho rằng quân Trung Quốc từng tuần tiễu ở khu vực này do nhóm Hàn Chấn Hoa đưa ra, các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng: Hàn Chấn Hoa suy diễn và gán ghép 2 đoạn văn vào nhau trong sách Vũ Kinh tổng yếu theo kiểu "đầu Ngô mình Sở", không đúng với nguyên bản sách này[36].

Theo Bộ ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc đã diễn giải công hàm của Phạm Văn Đồng một cách "xuyên tạc", khi nội dung công hàm không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa (và cũng không khẳng định 2 quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc), Việt Nam không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền với 2 quần đảo này, mà chỉ công nhận hải phận 12 hải lý (22.2 km) quanh lãnh thổ Trung Quốc, đây là một cử chỉ ngoại giao hữu nghị từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lúc đó là một quốc gia không tham gia vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã bị lợi dụng vào mục đích khác: là tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.[35][37][38][39][40] Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á, cho rằng công hàm không có sức nặng ràng buộc pháp lý.[41] Với kích thước lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý theo tuyên bố của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, Trung Quốc cũng chỉ tự giới hạn trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền, không thể là Tam Sa bao gồm khoảng 260 đảo, đá, đá ngầm, bãi cát trên Biển Đông, (theo công ước về Luật biển của Liên hiệp Quốc thì các đá và đá ngầm không được hưởng quy chế lãnh hải của đảo thực thụ), chỉ với tổng diện tích đất liền là 13 km² (đang có tranh chấp chủ quyền và một số lớn đang nằm trong sự kiểm soát của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực Đông Á cũng có tuyên bố chủ quyền chồng chéo) nhưng chiếm một vùng biển trải dài 900 km theo chiều đông-tây, 1800 km theo chiều bắc-nam, với diện tích vùng biển khoảng 2 triệu km² (chiếm 80% diện tích Biển Đông vượt xa nhiều lần giới hạn 12 hải lý kể trên) [42][43][44].

Bác lại luận điểm cho rằng Trung Quốc đã quản lý nơi đây từ thời Minh-Thanh, các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ ra rằng, trong tập Đại Thanh Bản đồ Đế quốc xuất bản năm 1905 và tái bản năm 1910 cho thấy cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, không hề vẽ các đảo nào khác ở Biển Đông[45]. Bản đồ Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh nhất thông dự địa toàn đồ xuất bản năm 1894 thời Quang Tự còn xác nhận cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai châu, phủ Quỳnh châu, Quảng Đông ở 18 độ 30 phút Bắc[31][46], trong khi Hoàng Sa theo cách gọi của Việt Nam hoặc Tây Sa theo cách gọi của Trung Quốc có vị trí cao nhất là 17 độ 5 phút, nghĩa là Hoàng Sa (Tây Sa) cho tới tận thời Nhà Thanh chưa từng nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và triều đình phong kiến Trung Quốc đã ghi nhận điều này[45]. Bức Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là bản đồ toàn bộ đất nước Trung Quốc thời Nhà Thanh, xuất bản tại Thượng Hải năm 1904 và tái bản năm 1910, là chứng cứ xác thực do chính triều đình Nhà Thanh (cấp nhà nước) đưa ra về đảo Hải Nam là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc.[47] Khảo sát các bản đồ của Trung Quốc xuất bản từ năm 1909 trở về trước cho thấy các bản đồ Trung Quốc cổ do chính người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào ghi nhận các quần đảo có địa danh Tây Sa, Nam Sa và các bản đồ này đều xác nhận đảo Hải Nam là cực nam lãnh thổ Trung Hoa[46].

Ngoài các tư liệu sử học như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay Đại Nam thực lục của Nhà Nguyễn, các nhà nghiên cứu Việt Nam còn chỉ ra các tài liệu từ chính phía Trung Quốc trước đây công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa:

  • Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán năm 1696 có nói tới Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa), xác nhận Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác sản vật bị đắm trên quần đảo này[48]
  • Năm 1824, sử gia Trung Quốc là Ngụy Nguyên xuất bản Hải đồ quốc chí, mô tả khắp các nước năm châu bốn biển. Tại quyển 9, tờ 4, Ngụy Nguyên vẽ về Việt Nam, gồm: Việt Nam Đông Đô (tức Hà Nội), Việt Nam Tây Đô (tức Thanh Nghệ) và Quảng Nam (Đàng Trong), bên ngoài khơi của Việt Nam ghi rõ "Đông Dương đại hải"[49]. Ngoài "Thuận Hóa cảng khẩu", có những chấm nhỏ mang tên "Vạn Lý Trường Sa" (tức Hoàng Sa) và "Thiên Lý Thạch Đường" (tức Trường Sa); hai quần đảo này hoàn toàn nằm trong "Đông Dương đại hải" của Việt Nam và Ngụy Nguyên không hề nhắc tới địa danh nào là Tây Sa hay Nam Sa[49].
  • Tài liệu "Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên" do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép các dấu tích do các Triều đình phong kiến Việt Nam gây dựng ở Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định hai quần đảo này là của Việt Nam[34].

Ngoài ra, còn các bằng chứng từ tư liệu của phương Tây:

  • Năm 1701, các giáo sĩ Hội thừa sai Paris (MEP) đi trên tàu Amphitrite sang Trung Quốc kể lại rằng họ đi qua "quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa) là quần đảo thuộc chủ quyền đế quốc An Nam" (le Paracel est un archipel qui dépend de l'Empire d'Annam)[49]
  • Thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho khảo sát, vẽ chi tiết Biển Đông (tên quốc tế theo tiếng Pháp là Mer de Chine) và các quần đảo lớn nhỏ trong đó, đáng kể nhất là Bản đồ quần đảo Hoàng Sa[50]
  • Nhiều sách báo phương Tây ghi lại sự kiện khoảng năm 1895, 1896: tàu Bellona của Đức và tàu Ymedi Maru của Nhật Bản chở hàng cho Anh bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam 140 hải lý về phía nam. Người Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã ra lấy trộm đồng trên tàu. Lãnh sự Anh ở Hải Nam phản đối với nhà đương cục Trung Quốc. Phía Trung Quốc trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc do đó Trung Quốc không có trách nhiệm gì ở đấy[31].

Từ phía Philippines

Một số bản đồ Philippines do Tây Ban Nha (trong thế kỷ XVIII) và Hoa Kỳ (trong thế kỷ XX), những quốc gia từng chiếm đóng Philippines, chính thức công bố cho thấy rằng bãi cạn Scarborough là lãnh thổ Philippines. Bản đồ thế kỷ XVIII của người Tây Ban Nha, "Carta hydrographica y chorographica de las Islas Filipinas" (1734) cho thấy bãi cạn Scarborough lúc đó đã được đặt tên là Panacot Shoal (tức là bãi cạn Panacot), với hình dạng khá giống với hình dạng bãi cạn Scarborough ngày nay.[51]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tam_Sa http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197... http://www.chinaquhua.cn/hainan/xishaqundao.html http://www.cnr.cn/china/news/201104/t20110411_5078... http://www.cnr.cn/gundong/201207/t20120721_5103011... http://english.cntv.cn/20120621/115607.shtml http://english.cntv.cn/program/newshour/20120420/1... http://news.cntv.cn/china/20120622/103046.shtml http://news.cntv.cn/china/20120724/108911.shtml http://www.china.com.cn http://www.china.com.cn/aboutchina/data/bowuguan/t...